Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Cảm ngộ: “Lấy của người giàu chia cho người nghèo” là tốt hay là xấu?



Rất nhiều người luôn lấy làm yêu thích nhân vật nổi tiếng trong truyện cổ Anh Quốc là Robin Hood, một anh chàng với bộ áo xanh, giỏi bắn cung, đánh kiếm, chống lại kẻ ác, chuyên lấy của người giàu chia cho người nghèo. Và cái quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo” đã theo chúng ta suốt bao nhiều năm tháng, cho đến một ngày chúng ta tự hỏi rằng: “Lấy của người giàu chia cho người nghèo” là tốt hay là xấu?

Giật mình, chúng ta chợt nghĩ: Ăn cướp chưa bao giờ là một hành động tốt đẹp cả…

Về mặt luật pháp, tự ý lấy đi tài sản của người khác chính là vi phạm quyền tư hữu tài sản. Nếu bởi vì nguyên nhân người giàu đó độc ác mà tự ý lấy đi tài sản của họ thì vẫn là sai. Kẻ độc ác vẫn nên bị trừng trị tương ứng với hành vi phạm pháp của họ, chứ không phải là theo cảm tính. Đơn cử như một kẻ trộm đồ sẽ không đáng bị người dân hùa vào đánh chết, bởi vì dù là về pháp luật hay là về nhân tính thì họ cũng không đáng phải chết. Kẻ trộm cũng là con người, chưa kể là ai biết được xem hoàn cảnh của họ ra sao, họ vì cớ gì mà đi ăn trộm? Tương tự như vậy, người giàu bị trộm là ai? Họ là người tốt hay người xấu? Tài sản đó của họ là do lừa lọc mà có, hay là do đổ mồ hôi sôi nước mắt mà có? Lấy đi số tài sản đó sẽ phương hại gì tới họ và gia đình?

Không chỉ như vậy, quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo” còn tồn tại nhiều dấu hỏi: Người nghèo đó là ai? Vì sao mà họ nghèo? Họ nghèo là vì lười biếng không chịu làm việc, hay là bị bóc lột tàn nhẫn? Có tốt không khi trao cho người nghèo số tài sản đó? Họ sẽ làm gì hay là phung phí nó? Liệu có cách nào đó khiến người nghèo giàu lên mà không phải đi “cướp” để “cho” không? Liệu đạo đức của họ có xuống dốc vì chuyện này không? Liệu họ có hưởng ứng hành vi ăn cướp phạm pháp đó vì món lợi trước mắt không?

Hơn thế nữa, “lấy của người giàu chia cho người nghèo” thì chia như thế nào? Hình thức phân chia ra sao? Ai sẽ đảm bảo về số tài sản ấy? Liệu số tài sản ấy có thể bị lợi dụng vì mục đích khác không? Bản thân hành vi này là hành vi ăn cướp, vậy ai dám bảo chứng là kẻ cướp sẽ có một đạo đức cao thượng, không tơ hào một đồng? Ai dám bảo chứng là những người nghèo kia không vì món lợi chia chác mà trở thành kẻ cướp?

Hãy lấy việc cải cách ruộng đất ở Trung Quốc Đại Lục do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện và cải cách ruộng đất ở Đài Loan do Chính phủ Quốc dân thực hiện làm ví dụ. Đây là hai cuộc cải cách cực kỳ khác biệt, không chỉ ở cách làm mà còn ở sự nhân văn. Nếu như cải cách ruộng đất ở Trung Quốc Đại Lục là một biển máu, thì cuộc cải cách ở Đài Loan lại diễn ra vô cùng hòa bình.

Cải cách ruộng đất đã có thể được thực hiện mà không cần phải chém giết, giống như cách mà Chính phủ Quốc dân đã thực hiện ở Đài Loan. Bắt đầu từ năm 1946, các ruộng của chính phủ được cho người nông dân thuê lại với giá rẻ, từ đó góp phần cải thiện cuộc sống của họ. Do giá thuê rẻ, người nông dân được lợi nên chăm chỉ làm việc, khiến sản lượng thu hoạch tăng cao (tăng 46% trong 4 năm). Trong khi đó, nguồn lợi từ việc sở hữu ruộng đất của các chủ đất giảm xuống (do các ruộng của chính phủ), khiến những chủ đất mong muốn bán đất đai của mình để đầu tư sang khu vực kinh tế khác. Lượng đất này được chính phủ hoặc những người nông dân có điều kiện mua lại. Cuối cùng, chính phủ tiếp tục bán ra số đất mà mình sở hữu. Tới năm 1953, số lượng ruộng đất được người nông dân Đài Loan sở hữu cuối cùng đã tăng lên tới 90%.

So sánh trên đã chỉ ra cho chúng ta một thực tế về sự cực đoan của câu khẩu hiệu “lấy của người giàu chia cho người nghèo”.

Hãy thử lấy một ví dụ khác về quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo” dưới hình thức văn minh hơn. Với logic là, người nghèo cần sự trợ giúp, và điều này trở thành một “quyền”, ví dụ như quyền có nhà ở và quyền được chăm sóc sức khỏe. Vậy thì đi kèm với quyền đó là việc những người khác phải có nghĩa vụ. Khi một người nghèo cần cấp cứu trong bệnh viện, họ có quyền nhận được sự trợ giúp. Tuy nhiên, những bác sĩ và y tá đã học tập bao nhiêu năm cũng có quyền được hưởng lương vì bất cứ một ca cấp cứu nào. Vậy thì ai sẽ trả cho họ? Xã hội hiện đại trả lời rằng: tất cả mọi người. Vậy là tất cả mọi người sẽ phải trả cho ca cấp cứu đó qua hình thức thuế. Và nếu như chi phí đó bị chia đều, thì có thể một số người nghèo sẽ không chịu nổi, vì thế phương án đánh thuế theo % thu nhập và theo mức thu nhập ra đời để đáp ứng cho hoàn cảnh xã hội của người nộp thuế.

Nhìn một cách tổng thể, thuế là một hình thức phân phối lý trí hơn quan niệm “lấy của người giàu chia cho người nghèo”. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp phương Tây cũng thừa nhận rằng: Thuế là hình thức sung công (mà không phải quốc hữu hóa) các tài sản tư nhân; và không có sự vô tư (không thiên vị) trong vấn đề thuế. Chính vì vậy, một hệ thống thuế tốt vẫn cần nền tảng lý trí và đạo đức từ chính phủ của một quốc gia.

Và tất nhiên, vẫn còn tồn tại rất nhiều hình thức giúp đỡ người nghèo khác không nhờ “lấy của người giàu chia cho người nghèo”, như quyên góp, làm từ thiện, tạo công ăn việc làm, v.v.. Tất cả đều xuất phát từ thiện nguyện tốt đẹp của con người chứ không phải là từ một câu khẩu hiệu…

Mời nghe qua YouTube tại đây , xem qua Google Photo tại đây



Theo trithucvn

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Cổ nhân dạy rằng, ở đời có 3 điều tưởng chừng là PHÚC nhưng thực chất lại là HỌA, chỉ có kẻ ngu muội mới lao đầu vào

“Có những người sống trong phúc mà cứ coi là họa, tìm mọi cách tránh xa. Có những người sống trong họa lại cứ vội lầm tưởng là phúc, để rồi đánh mất mình.

Người nào rơi vào cảnh “không làm mà hưởng” chính là đi ngược lại với tự nhiên. Có thể nói rằng, họ đang tiêu hao trước phần phúc báo về sau của mình. Đến một ngày vận khí hao mòn không còn lại gì, tai họa ắt sẽ ập đến.

Trong suy nghĩ của nhiều người, “có phúc” đồng nghĩa với việc ăn sung mặc sướng, phú quý giàu sang, hạnh phúc êm ấm. Cũng vì lẽ đó, ngày càng nhiều người sẵn sàng đánh đổi cả đời để lấy vinh hoa phú quý. Thế nhưng, có những điều tưởng chừng là “phúc”, nhưng cuối cùng lại trở thành “họa”.

Bề ngoài, những điều này vẫn đem lại sự vui sướng, hạnh phúc nhất thời nhưng đằng sau phồn hoa ngắn ngủi sẽ là đau khổ và trắc trở dài lâu. Đặc biệt là với 3 kiểu “có phúc” tai hại sau đây, cần tránh xa cả đời nếu không muốn hủy hoại cả giá trị tinh thần lẫn vật chất trong tay.

1. Không làm mà lại có ăn

Trong “Liễu Phàm tứ huấn” có một câu nói, đó là “Bách kim tài phú tất thị bách kim nhân vật, thiên kim tài phú tất định thị thiên kim nhân vật” .

Nghĩa là: Người có gia sản tiền trăm thì ắt là người được định sẵn có tiền trăm, người có gia sản nghìn vàng thì ắt là người đã được định sẵn có nghìn vàng.

Người xưa để lại câu này muốn nói cho chúng ta biết rằng, một người có phúc phần nhường nào thì ắt sẽ được hưởng nhường ấy. Tất cả đều có sự đánh đổi ngang bằng được định sẵn từ trước, chứ không phải muốn hưởng bao nhiêu thì hưởng.

Mà thuận theo câu nói “Khổ trước sướng sau”, con người phải có làm mới có ăn, đó đã là đạo lý hiển nhiên trên đời. Người nào rơi vào cảnh “không làm mà hưởng” chính là đi ngược lại với tự nhiên. Có thể nói rằng, họ đang tiêu hao trước phần phúc báo về sau của mình. Đến một ngày vận khí hao mòn không còn lại gì, tai họa ắt sẽ ập đến.

Bên cạnh đó, người có thói quen “hưởng sẵn” sẽ tự ru ngủ năng lực và tính tự giác của bản thân trong sự an nhàn giả tạo. Khi mọi người xung quanh dốc sức chuẩn bị, anh chỉ lo hưởng thụ vui chơi, thì đương nhiên, khi tất cả đã lấy đà đầy đủ và bắt đầu tăng tốc về đích, anh sẽ bị bỏ lại phía sau mãi mãi.

Cho nên cổ nhân mới nói: “Con cháu nếu giỏi giang thì chẳng cần tiền tài từ bố mẹ để lại, người hiền mà giữ tiền dễ tổn hại ý chí; còn nếu con cháu không ai giỏi giang thì tiền tài để lại từ bố mẹ càng thêm vô dụng, người dốt mà có tiền, ắt thành thảm họa.”

2. Hữu danh nhưng vô thực

Khổng Tử từng nói: "Nếu đức hạnh không xứng đáng với vị trí, sẽ thành tai ương. Nếu đức hạnh mỏng mà được tôn lên cao, trí tuệ nhỏ mà góp kế hoạch lớn, sức mạnh nhỏ nhưng gánh trách nhiệm nặng nề thì hiếm có thể thành công.”

Hữu danh vô thực chỉ làm cản bước tiến của chúng ta trên đường đời. Chúng chỉ là cái vỏ rỗng nhưng lại khiến ta nhầm tưởng rằng mình đang sở hữu đủ đầy. Chẳng hạn như, anh thích “ăn trên ngồi chốc”, vẽ mây vẽ gió ở tầm cỡ sếp, nhưng năng lực chuyên môn lại không vượt trội, cũng chẳng có tinh thần dốc sức cầu tiến nữa. Như vậy, một thời gian sau, kết quả duy nhất chờ đợi anh chính là sự đào thải tàn nhẫn của cuộc chơi cạnh tranh khốc liệt.

Nói cách khác, cũng giống như một chiếc bàn có thể chịu tải trọng được 10 phần sức nặng, nhưng nay chúng ta đặt lên nó tới 20 hay 50 phần sức nặng, thì hỏi chiếc bàn sao có thể chịu nổi đây? Gánh một sức nặng quá sức mình như vậy, nó sẽ lung lay, nó sẽ biến dạng, đây chính là dấu hiệu báo trước của việc sụp đổ.

Do đó, “mác ngoài” dù hào hoa to đẹp đến mấy cũng chưa chắc đã là phúc. Vị trí cao tương xứng với trách nhiệm cao, bạn hãy chủ động tránh xa khi bản thân mình chưa thực sự đạt được tầm cỡ ấy.

3. Hưởng thụ những thứ không thuộc về mình

Có câu chuyện xưa kể rằng: Một ngày nọ, chú cáo đói bụng bỗng nhìn thấy cây nho sai trĩu, chín mềm trong vườn của bác nông dân. Nó tìm mãi mà không thấy lối vào, nhưng lại tình cờ phát hiện một lỗ nhỏ trên hàng rào. Tuy nhiên, cái lỗ quá nhỏ nên nó không chui vừa.

Con cáo nghĩ ra một cách. Nó nhịn đói liền 2 ngày để gầy tọp đi, sau đó như ý nguyện mà chui được vào vườn. Quá sung sướng vì những trái nho thơm chín căng mọng trước mặt, nó ăn thỏa thích đến chùm này tới chùm khác.

Nhưng no nê đủ rồi, nó mới phát hiện ra rằng cái bụng của mình to lên rất nhiều, không còn vừa với lỗ nhỏ trong hàng rào nữa. Mà nếu chạy đi bằng cửa trước, chắc chắn sẽ bị chủ vườn và đàn chó săn tóm được. Thế là, con cáo lại phải nhịn ăn suốt 6 ngày liên tiếp.

Quả nhiên sau 6 ngày ấy, con cáo lại gầy đi và có thể chui ra được khỏi hàng rào. Nó trở về điểm xuất phát ban đầu với một cái bụng rỗng, đói meo, chẳng thay đổi được gì.

Câu chuyện này khiến chúng ta nhận ra rằng, cuộc sống luôn có được và có mất, có những thứ không thuộc về mình thì cưỡng ép nhường nào cũng vô dụng. Người biết đủ, hiểu thấu lẽ được mất, sống thuận theo tự nhiên sẽ sống được vui vẻ, hạnh phúc nhất. Ngược lại, người nào tham lam hưởng thụ những điều không thuộc về mình thì cũng chỉ rơi vào kết cục “Của thiên trả địa” mà thôi.

Nỗ lực theo đuổi cuộc sống sung túc, giàu sang không sai, nhưng không vì thế mà tận dụng các thủ đoạn xấu xa, trái với lương tâm và luật lệ, cũng đừng lợi dụng lối tắt hiểm nguy trên các con đường dẫn đến thành công. Phải biết rằng, những thời gian và nỗ lực bạn đầu tư đều chuyển hóa thành những giá trị quan trọng, là bậc thang vững chắc nhất để bạn leo lên những đỉnh cao. Đó là hành trình mà bạn cần tự đi trên chính con đường của bản thân, tránh xa những điều không thuộc về mình.

Kỳ thực, “Mệnh lí hữu thời chung tu hữu, mệnh lí vô thời mạc cưỡng cầu”.

Ở đời, thứ thuộc về bạn thì cuối cùng sẽ là của bạn, thứ không phải của bạn thì dù cố tranh giành cũng sẽ tự tránh xa. Hãy học cách bình thản với đời, thuận theo tự nhiên chính là một loại phúc. Cưỡng cầu quá nhiều lại thành họa.

Theo Trí thức trẻ